Bộ mặt sầm uất nơi thị tứ Thạch Châu

 Những năm qua, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã tập trung phát triển đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.


Máy điêu khắc gỗ tự động với công nghệ hiện đại được anh Phạm Văn Hùng mua mới để sản xuất các sản phẩm chất lượng hơn phục vụ khách hàng.

Nhận thấy nhu cầu của thị trường, năm 2019, anh Phạm Văn Hùng (thôn An Lộc) đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để mở rộng xưởng cưa của gia đình. Đến nay, xưởng tạo việc làm ổn định cho 8 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 9 – 10 triệu đồng/ tháng.

Anh Hùng cho biết: “Mình bỏ tiền ra trước hết là để phát triển hoạt động của cơ sở, làm giàu cho bản thân, đồng thời tạo thêm việc làm cho thanh niên trong địa bàn, để họ không phải xa quê đi làm ăn nơi xứ người”.


Nhiều cửa hàng tiện ích quy mô lớn được xây dựng tại khu trung tâm của xã Thạch Châu, tạo sự sôi động, sầm uất hơn cho diện mạo của địa phương.

Không chỉ phát triển các nghề truyền thống như làm mộc, thợ xây, cơ khí… nhiều hộ dân trên địa bàn Thạch Châu còn mạnh dạn bỏ vốn, xây dựng và phát triển hoạt động thương mại – dịch vụ, kinh doanh buôn bán.

Là một trong những hộ tiên phong trong việc kinh doanh bách hoá tổng hợp tại trung tâm xã Thạch Châu, đến nay, cơ sở của chị Lê Thị Minh Trang đã trở thành siêu thị mini tốp đầu, tạo việc làm cho 15 nhân viên, với mức lương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Chị Trang chia sẻ: “Nhờ có điểm kinh doanh thuận lợi và được khách hàng tin tưởng nên mình có điều kiện phát triển. Gia đình đã đầu tư vốn để sắp xếp cửa hàng theo hướng hiện đại, đa dạng các mặt hàng, thuê thêm nhân viên phục vụ để thu hút và tạo sự tiện lợi cho người dân khi đến mua sắm”.


Nhờ vị trí thuận lợi trong giao thương, người dân Thạch Châu đã chủ động mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm giàu trên quê hương.

Theo thống kê của UBND xã Thạch Châu, trên địa bàn toàn xã hiện có hơn 680 hộ gia đình kinh doanh thương mại dịch vụ, 24 tổ hợp tác làm mộc dân dụng, 24 cơ sở cơ khí, 53 tổ thợ nề, 28 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã…

Các hoạt động thương mại, dịch vụ, các ngành nghề khác đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về giao thông của xã, giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 2.000 lao động với thu nhập khá.

Anh Nguyễn Đình Khoa (thôn Châu Hạ) đầu tư gần 600 triệu đồng mua máy sản xuất đá lạnh tự động cung ứng cho nhiều xã trên địa bàn huyện.

Phát triển sản xuất với đa dạng ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn đang là hướng phát triển kinh tế đúng đắn của xã Thạch Châu. Đến nay, cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển biến tích cực, tỷ trọng thương mại – dịch vụ tăng cao, chiếm 45%; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 42,63 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Thạch Châu Lê Văn Thông cho biết: “Hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển là điều kiện cho nhiều ngành, nghề mới ra đời, tạo phong trào chung để người dân có hứng khởi làm ăn, “giữ chân” được nhiều lao động trẻ trên địa bàn, góp phần làm khởi sắc diện mạo của địa phương.


Hoạt động thương mại – dịch vụ phát triển tạo điều kiện để kích cầu tiêu dùng, mua sắm trong người dân.

“Thời gian tới xã tiếp tục tranh thủ tối đa các nguồn lực để xây dựng hạ tầng vùng thương mại – dịch vụ tại trung tâm của xã; tạo môi trường thuận lợi về mặt bằng, cơ chế, thủ tục hành chính… để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển trên địa bàn; mở các lớp đào tạo nghề cho người dân.

Đồng thời, xác định rõ vị thế Thạch Châu nằm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của huyện và tỉnh Hà Tĩnh để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của xã đến năm 2025 với trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại – dịch vụ”, ông Thông cho biết thêm.
Thái Oanh