Người cộng sản kiên trung

(Baohatinh.vn) – Người cộng sản kiên trung Lê Tiềm (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà – Hà Tĩnh) là vị tiền bối cách mạng đã để lại tiếng thơm cho quê hương và hậu thế khi đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Nhà thờ họ Lê Xuân ở thôn Thanh Tân là nơi thành lập và sinh hoạt của Chi bộ Xuân Gia, tiền thân của Đảng bộ xã Thạch Châu ngày nay.
Người cộng sản kiên trung
Đồng chí Lê Tiềm (1901 – 14/2/1931) hay còn gọi là Lê Xuân Bính hoặc thầy giáo Tiềm được sinh ra ở làng Gia Thiện, xã Mỹ Châu (nay là thôn Thanh Tân, xã Thạch Châu), trong dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhiều người có công trạng với dân, với nước. Từ nhỏ, ông đã là người hiếu học, thông minh, cương trực, giàu lòng nhân ái. Sau khi đậu tú tài, ông làm nghề dạy học ở quê, sau lên dạy học ở trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh, rồi ra Đức Thọ, Bến Thủy… Là trí thức yêu nước, lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, Nhân dân “một cổ hai tròng”, ông sớm giác ngộ cách mạng.
Theo Công văn số 240/VLSĐ ngày 14/12/2016 của Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thống nhất kết luận về thời gian thành lập các tổ chức tiền thân của Đảng thì Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập tháng 1/1930 và ông Lê Tiềm là 1 trong 8 thành viên đứng ra thành lập. Cụ thể, ông tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và có tham gia đại hội cùng các đại biểu 3 kỳ tại Đò Trai từ ngày 31/12/1929 đến ngày 1/1/1930.
Khi đại hội mới thông qua các văn kiện, chuẩn bị bầu ban chấp hành thì bị lộ nên Pháp và tay sai vây bắt. May mắn thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù, tháng 5/1930, ông trở về quê hoạt động và cùng chiến hữu của mình đứng ra thành lập Chi bộ Xuân Gia (tiền thân của Đảng bộ xã Thạch Châu ngày nay) ngay tại nhà thờ họ Lê Xuân của mình.

Sau 94 năm, lá cờ đỏ búa liềm vẫn rực rỡ tung bay trên ngọn cây mả ở trung tâm xã Thạch Châu – nơi các đảng viên Chi bộ Xuân Gia treo cờ Đảng vào đêm 27 tết năm Canh Ngọ, ngay sau khi người đảng viên kiên trung hi sinh.
Hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ông cùng chi bộ đã lãnh đạo Nhân dân trong vùng thực hiện 9 cuộc mít tinh biểu tình chống sưu cao thuế nặng, đòi dân quyền, dân chủ, người cày có ruộng và đấu tranh với bọn đế quốc, phong kiến, việt gian, tay sai. Nhiều cuộc đấu tranh do ông tổ chức, dẫn đầu đã đi vào những trang sử hào hùng của quê hương.
Cụ thể như: ngày 1/8/1930, tổ chức gần 300 nông dân kéo về huyện lỵ Can Lộc đòi tri huyện giải quyết sưu thuế, chống áp bức bóc lột; ngày 8/9/1930, tổ chức, lãnh đạo 600 người biểu tình kéo về tỉnh lỵ phản đối đàn áp, khủng bố và bãi bỏ các loại sưu thuế; ngày 5/10/1930, tổ chức Nhân dân biểu tình, vây bắt tên tay sai Bằng Thừ tại Cửa Sót nhưng bất thành; tháng 10/1930, tổ chức 4 cuộc biểu tình đòi bãi bỏ sưu cao thuế nặng, chống đàn áp, nô dịch, tuyên truyền cách mạng…

Đại tá Lê Xuân Chất – nguyên Thanh tra Bộ Quốc phòng, đại diện Hội đồng Gia tộc họ Lê Xuân xã Thạch Châu (đứng trong cùng) giới thiệu lịch sử dòng họ và công lao của các vị tiền nhân với nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thanh Bình (đứng giữa) và con cháu trong dòng họ.
Đại tá Lê Xuân Chất – nguyên Thanh tra Bộ Quốc phòng (gọi liệt sỹ Lê Tiềm bằng cụ) thông tin: “Theo lời kể của các vị tiền nhân, vào đêm 25/12/1930 âm lịch (tức ngày 12/2/1931 dương lịch), cụ chúng tôi tổ chức sinh hoạt chi bộ tại nhà thờ họ Lê Xuân nhưng bị chỉ điểm nên tên việt gian Bằng Thừ cùng 50 tay sai vây bắt.
Để đảm bảo an toàn cho các đồng chí, một mình cụ nghi binh chạy theo hướng về nhà để cho giặc Pháp đuổi theo. Ngoại trừ vợ bế con gái chạy thoát thì cụ cùng cha, anh trai, em gái, em rể đều bị bắt. Sau 2 ngày tra khảo vô cùng tàn ác nhưng không thu được kết quả gì, bọn chúng đã hèn hạ tử hình cụ cùng người thân. Anh trai, em gái, em rể may mắn thoát chết”.
“Tối hôm cụ bị xử tử (27 tết Canh Ngọ), dòng họ và các đảng viên trong chi bộ đã lén mang 2 thi hài đi nơi khác an táng, đưa người bị thương đi chữa trị và đắp 5 ngôi mộ giả để đánh lừa bọn giặc. Đêm đó, chi bộ cũng lấy miếng vải đỏ ở nhà thờ họ Lê Xuân và cử các đồng chí trong chi bộ may cờ rồi treo lên cây mả đầu làng để biểu thị tinh thần cách mạng, đoàn kết, lòng biết ơn và sự hy sinh cao cả của một người cộng sản kiên trung. Cờ treo được 2 ngày thì hạ xuống để tránh bọn giặc kéo về đàn áp phong trào cách mạng của Nhân dân trong vùng thêm một lần nữa” – Đại tá Lê Xuân Chất kể thêm.
Tiếp bước truyền thống cách mạng
Người cộng sản kiên trung Lê Tiềm ngã xuống dưới nòng súng của kẻ thù khi mới hơn 30 tuổi, lúc Đảng ta còn trong trứng nước, nhưng sự hy sinh anh dũng ấy như tiếp thêm niềm tin vào Đảng, thúc đẩy dũng khí cách mạng và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh với bọn thực dân, phong kiến.
Chính ông là người viết trang sử đầu tiên khi quê hương có Đảng, là hạt nhân nòng cốt trong vận động thanh niên yêu nước tham gia cách mạng nên giai đoạn 1930-1931 ở trong vùng có đến 18 đảng viên (toàn quốc có 525 người).

Đại diện con cháu các chi dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài, nơi yên nghỉ của ông Lê Tiềm.
Nối tiếp truyền thống cách mạng, xã Thạch Châu luôn anh dũng đi đầu trong phong trào đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn quê hương qua các giai đoạn lịch sử. Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, Thạch Châu đã “chắc tay súng, vững tay cày”, vừa là hậu phương lớn, vừa là tiền tuyến lớn, đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, tiễn hàng ngàn người con trai tráng lên đường. Hiện nay, toàn xã có 12 Mẹ Việt Nam anh hùng, 134 liệt sỹ, 42 thương binh, bệnh binh. Năm 2005, xã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”.
Trong công cuộc kiến quốc, cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân Thạch Châu luôn kiên trì, chịu thương, chịu khó để từng bước đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc, ấm no. Năm 2007, xã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2012 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2016, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất… Đặc biệt, trong phong trào xây dựng NTM, Thạch Châu luôn đi đầu toàn huyện, đứng tốp đầu của tỉnh khi đạt chuẩn năm 2014, đạt chuẩn nâng cao năm 2020, chuẩn kiểu mẫu năm 2023 và đã huy động được 500 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí từ năm 2012 đến nay.

Cán bộ, đảng viên và Nhân dân thôn Thanh Tân không tiếc công sức, tiền của, vườn tược để chung tay xây dựng NTM, khu dân cư kiểu mẫu.
Tiếp bước hiền nhân, con cháu trong dòng họ Lê Xuân cũng luôn nêu cao ý thức cách mạng, ý chí chiến đấu, tinh thần không ngại hy sinh, sẵn sàng cống hiến. Cùng với cụ Lê Tiềm, giai đoạn Đảng còn trong “trứng nước” (năm 1930-1931), trong dòng họ này còn có 5 đảng viên hoạt động ở Chi bộ Xuân Gia, sau này trở thành “linh hồn” của phong trào đấu tranh cách mạng trên quê hương, thậm chí có người sang tận Thái Lan hoạt động bí mật.
Đặc biệt, trong giai đoạn 1946-1954, có nhiều vị tiền bối trong dòng họ đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của quê hương như các cụ: Lê Xuân Toản (vào Đảng năm 1946, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ Tĩnh), Lê Xuân Lượng (vào Đảng năm 1946, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thạch Châu), Lê Xuân Kinh (vào Đảng năm 1946, nguyên Chủ nhiệm Hội Nông dân cứu quốc xã Mỹ Châu)…

Các thế hệ con, cháu dòng họ Lê Xuân mở những trang sử hào hùng của các bậc tiền nhân và quê hương để không ngừng học tập, lao động, cống hiến cho quê hương, đất nước.
Các giai đoạn lịch sử sau này, con cháu trong dòng họ luôn phấn đấu học tập, rèn luyện, thi đua, cống hiến để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Con cháu trong dòng họ Lê Xuân không tiếc máu xương, lớp lớp lên đường và sẵn sàng ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, sự nghiệp quốc tế cao cả. Trong dòng họ có 1 Mẹ Việt Nam anh hùng, 6 liệt sỹ, 4 thương binh…
Dù ở đâu, đang làm gì, con cháu trong dòng họ vẫn luôn ghi nhớ sự hy sinh cao cả của các bậc tiền nhân, luôn nêu cao truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình và quê hương để chăm chỉ làm ăn, chăm lo công tác, chung tay xây dựng cuộc sống no đủ. Nhiều người con đang làm rạng danh quê hương như: Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Đại tá Lê Xuân Chất – nguyên Thanh tra Bộ Quốc phòng, Đại tá Lê Xuân Tý – nguyên Trung đoàn phó chính trị, Trung đoàn 4, Sư 337 (Quân khu 4)…
Lê Văn Thông Chủ tịch UBND xã Thạch Châu